Chương 1: Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu và thứ tự đường ưu tiên theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT

Điều 4. Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu

4.1. Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:

4.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;

4.1.2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;

4.1.3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;

4.1.4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

4.2. Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.

Điều 5. Thứ tự đường ưu tiên

5.1. Quy định về thứ tự đường ưu tiên như sau:
- Đường cao tốc;
- Quốc lộ;
- Đường đô thị;
- Đường tỉnh;
- Đường huyện;
- Đường xã;
- Đường chuyên dùng.

5.2. Nếu hai đường cùng thứ tự, giao nhau cùng mức, việc xác định đường nào là đường ưu tiên được xem xét lần lượt theo quy định sau:

5.2.1. Được cấp có thẩm quyền quy định là đường ưu tiên;

5.2.2. Đường có cấp kỹ thuật cao hơn thì được ưu tiên;

5.2.3. Khi lưu lượng xe khác nhau, đường có lưu lượng xe trung bình ngày đêm lớn hơn thì được ưu tiên;

5.2.4. Khi lưu lượng xe trung bình ngày đêm bằng nhau, đường có nhiều xe ô tô vận tải công cộng lớn hơn thì được ưu tiên;

5.2.5. Đường nào có mặt đường cấp cao hơn thì được ưu tiên.

5.3. Không được quy định cả hai đường giao nhau cùng mức cùng đồng thời là đường ưu tiên.